Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm
Chuyển đổi sốhttps://chuyendoiso.tayninh.gov.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/10/2023 08:37
Sáng 10/10/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã dự Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị" do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức.
Dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học, học viện.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, chúng ta tổ chức sự kiện quan trọng này, thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước chung tay đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là "Chuyển đổi số một cách tổng thể, xuyên suốt, toàn diện, bao trùm, liên thông nhưng có trọng tâm trọng điểm; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc và cho chính người dân, doanh nghiệp là yếu tố quyết định bảo đảm sự thành công trong chuyển đổi số quốc gia".
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược và đã trở thành phong trào, là xu thế đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên thế giới. Nhiều văn kiện và Nghị quyết của Đảng đã đề cập sâu sắc về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược; xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia. Với quan điểm dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, là nền tảng của sự phát triển, chúng ta cần nắm bắt, tận dụng cơ hội để khai thác, phát huy giá trị của dữ liệu số trở thành nguồn lực quan trọng cho phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số.
Sự kiện "Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2023" thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học. Chúng ta đã đạt được một số thành quả bước đầu rất đáng trân trọng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, góp phần quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, kết quả ngày hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm phía trước, trong đó nỗ lực giải quyết nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số, nhất là dữ liệu số. Nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức đã được nhận diện như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu; số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về dữ liệu số; hạ tầng dữ liệu số; an toàn thông tin, an ninh mạng và nguồn nhân lực.
4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số
Thủ tướng nêu rõ 4 quan điểm chủ đạo trong chuyển đổi số nói chung và trong tạo lập, khai thác dữ liệu số. Đó là: Có tầm nhìn chiến lược và đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp điều kiện thực tiễn; kế thừa, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được thời gian qua; vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số quốc gia phải triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn chạy theo số lượng; cơ sở dữ liệu quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư; tận dụng mọi nguồn lực nhằm phát triển mạnh hạ tầng số, nền tảng số nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận được nhiều dịch vụ số, tiện ích số.
Dữ liệu số là tài nguyên quốc gia
Năm 2023 là năm Dữ liệu số quốc gia với thông điệp "Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới", yêu cầu "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng, thông minh về quản lý", Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Cụ thể,các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số để thúc đẩy dữ liệu số phát triển ổn định, bền vững.
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tạo lập dữ liệu thông qua triển khai xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới.
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cấp, hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng dùng chung, hạ tầng thanh toán, hạ tầng thông tin tín dụng…; bảo đảm năng lực tính toán, truyền tải, tính ổn định, tin cậy và an toàn trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua tái cấu trúc quy trình, tái sử dụng dữ liệu sẵn có.
Hỗ trợ các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường công tác truyền thông về lợi ích, hiệu quả của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì phải chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự thịnh vượng của một quốc gia.
Quốc gia nào muốn thịnh vượng thì đều phải thịnh vượng trên không gian mạng. Việt Nam muốn trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì bắt buộc phải chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là phát triển nhanh vì tạo ra kinh tế số có tốc độ tăng trưởng cao gấp 3- 4 lần tăng trưởng GDP. Chuyển đổi số là phát triển bền vững vì tiêu tốn ít tài nguyên hơn lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. Chuyển đổi số làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế vì môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.
Chuyển đổi số là phát triển bao trùm vì bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, nếu có sóng di động và điện thoại thông minh thì đều có thể tiếp cận được mọi dịch vụ số, không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chúng ta đã bước vào năm thứ 4 chuyển đổi số, trong đó năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia tạo ra dữ liệu mới từ dữ liệu. Năm 2023 là năm tạo ra các kết quả thiết thực. Năm 2023 là năm sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo để giải các bài toán cụ thể của Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay, khi phát triển kinh tế thì tiêu dùng và làm cạn kiệt các tài nguyên. Kinh tế số thì dựa trên tài nguyên mới là dữ liệu, tài nguyên này do con người tạo ra, không bị cạn kiệt.
Mặt khác, trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số, người đó sẽ nắm dữ liệu, mà vì nắm dữ liệu mà người đó là người quyết định. Bởi vậy, chuyển đổi số Việt Nam mà không dựa trên nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi chính từ chuyển đổi số Việt Nam lại không phải Việt Nam. Nền tảng số Việt Nam là lời giải chính và đột phá cho chuyển đổi số Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, chuyển đổi số Việt Nam đã thực sự trở thành toàn dân, toàn diện với mục tiêu phổ cập số luôn được xác định là trọng tâm. Chúng ta đã có gần 100 nghìn Tổ Công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, bản để hướng dẫn người dân chuyển đổi số.
Muốn chuyển đổi số nhanh và bền vững chúng ta phải đi đều 2 chân. Một là phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc. Hai là đi nhanh về cái mới thông qua thử nghiệm. Từ cái mới đã được các đầu tầu triển khai thành công thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập. Đầu tầu phải dẫn đến phổ cập. Đầu tầu mà không dẫn đến phổ cập thì không tạo ra sự thay đổi, không tạo ra sự chuyển đổi và sẽ không có chuyển đổi số quốc gia.
Ngành TT&TT đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng
Năm 2023 cũng là năm bùng nổ các ứng dụng AI. Ước mơ mỗi người dân, mỗi cán bộ công chức viên chức một trợ lý riêng, ước mơ trao thêm quyền năng tri thức cho con người, cho gần 3 triệu công viên chức, cho hàng 100 triệu người dân Việt Nam đã trở thành hiện thực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện tại ngành TT&TT đang triển khai 4 trợ lý ảo quan trọng. Đó là:
Trợ lý ảo hỗ trợ cho lĩnh vực lập pháp (phát hiện mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật hiện nay vốn nhiều đến mức quá sức phát hiện của con người);
Trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp (hỗ trợ cán bộ công chức thực hiện công việc, cán bộ công chức đặt câu hỏi về công việc và trợ lý ảo sẽ tìm ra câu trả lời từ các quy định pháp luật liên quan);
Trợ lý ảo ngành tư pháp (hỗ trợ thẩm phán, giúp giảm thời gian xử lý công việc của thẩm phán tới 30%);
Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân (trả lời các câu hỏi của người dân liên quan đến pháp luật, quy định của Nhà nước).
Đất nước muốn tăng trưởng nhanh, nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.
Không gian mới là kinh tế số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.
Bộ trưởng kết thúc phát biểu khai mạc với câu nói của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là cơ hội lịch sử, là chiến lược quốc gia, là động lực mới của phát triển, mở ra thời kỳ phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
*Cũng tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, các đại biểu đã được xem chương trình nghệ thuật kể về các câu chuyện thực tế trong hành trình chuyển đổi số, những thành tựu của chuyển đổi số tác động vào cuộc sống thực tiễn của người dân Việt Nam. Đây là nét mới của Chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm nay. Thay vì xem video clip hay nghe báo cáo, các đại biểu được nghe xem các câu chuyện về chuyển đổi số được kể dưới hình thức một chương trình nghệ thuật, vừa hấp dẫn, vừa truyền cảm hứng cho các đại biểu tham dự.
Đó câu chuyện của Rạng Đông, một doanh nghiệp sản xuất truyền thống được thành lập từ năm 1961. Năm 2019, Rạng Đông trải qua một biến cố lịch sử. Sự cố hoả hoạn ngoài ý muốn đã thiêu rụi đi rất nhiều tài sản. Nhưng biến cố ấy lại tạo ra một sức ép bắt buộc Rạng Đông phải nhanh chóng chuyển đổi số. Không gian tăng trưởng mới không chỉ là bóng đèn, phích nước mà nhờ dữ liệu số và công nghệ số để Rạng Đông cung cấp hệ thống chiếu sáng thông minh, từ nông nghiệp đến ngư nghiệp hay đô thị thông minh. Nhờ vậy, Rạng Đông thiết lập một mặt bằng tăng trưởng mới. Tổng doanh thu năm 2023 ước đạt 8.500 tỷ đồng, cao cấp 2,5 lần so với năm 2019.
Đó là câu chuyện về Nền tảng cảng biển số Việt Nam đã giúp mọi hoạt động của cảng biển diễn ra trên môi trường số, trực tuyến và toàn trình. Trong 10 năm, ông Tạ Minh Vang đã thực hiện khát vọng xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số cảng biển do Việt Nam làm chủ ở 22 cảng biển, kết nối gần 200 hãng tàu trên toàn thế giới, trên 900 doanh nghiệp vận tải và gần 30 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nền tảng cảng biển số Việt Nam giúp giảm thời gian làm thủ tục thông quan tại cảng đáng kể. Trước đây, một lệnh giao nhận container có khoảng 12 điểm chạm, cần 5-7 giờ để hoàn thành. Sau khi chuyển đổi số, một lệnh giao nhận container chỉ còn 2 điểm chạm, cần 2-3 phút để hoàn thành, tương đương với Singapore.
Đó là tấm gương tiêu biểu của cô Nông Thị Thuận và anh Đinh Văn Hin, những người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” sử dụng sản phẩm, dịch vụ số.
Đó là câu chuyện về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với những tên tuổi như Viettel, FPT, CMC, TMA, Rikkei Soft, NTQ. Doanh thu từ thị trường nước ngoài ở lĩnh vực viễn thông của Viettel đạt 3 tỷ USD, doanh thu của FPT về dịch vụ CNTT và chuyển đổi số đã đạt 1 tỷ USD.
Đi ra nước ngoài là cạnh tranh với những người xuất sắc nhất. Đây là cách để chúng ta trở nên xuất sắc, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Cũng vì có năng lực cạnh tranh quốc tế mà chúng ta tồn tại được lâu dài ở trong nước. Đi ra nước ngoài cũng là để phát triển Việt Nam. Đây là mục tiêu và sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.